Theo truyền khẩu tại địa phương và 4 văn bia “Hậu Thần bi ký” dựng khắc vào các năm: 1872, 1893, 1903, 1912 hiện đang lưu giữ tại đình cho biết: đình làng Thọ Ninh được khởi dựng từ rất lâu đời. Trải qua thời gian, chiến tranh, thiên nhiên tàn phá di tích bị xuống cấp, nhân dân Thọ Ninh di chuyển và tu bổ vào các năm 1903, 1912, 1916, 1966, 1983.
Ngôi đình hiện nay được xây dựng năm 1996 kiểu kiến trúc chữ Đinh gồm có: Đại đình 5 gian làm theo kiểu “bình đầu bít đốc tay ngai, trụ biểu lồng đèn”, 2 mái lợp ngói vẩy hến. Bờ nóc được phủ vữa áo và tạo những đường gờ chạy song song. Giữa bờ nóc trang trí biểu tượng mặt trời, phía hai đầu trang trí hai con kìm. Hệ chịu lực được làm bằng gỗ lim chắc khỏe. Hai bộ vì gian giữa có 4 hàng chân cột, kết cấu vì nóc theo kiểu “chồng rường giá chiêng”; vì nách theo kiểu “vì ván mê, bảy hiên”, hay còn gọi là cốn. Hai bộ vì gian bên có 4 hàng chân cột, kết cấu vì nóc theo kiểu “chồng rường giá chiêng”; vì nách theo kiểu “kẻ suốt”. Hai bộ vì hồi có các cột trốn lên tường, kết cấu vì nóc theo kiểu “vì ván mê”; vì nách theo kiểu “chồng rường bảy hiên”. Các bộ vì được liên kết với nhau thành hệ khung chịu lực nhờ các xà dọc nối giữa các hàng cột. Các thành phần cấu kiện kiến trúc Đại đình trang trí lá lật, tứ linh, hổ phù, mây, chữ thọ.
Ba gian chính phía trước Đại đình có cửa đi và thụt vào ở vị trí cột quân, tạo thành khoảng hiên từ giọt gianh đến cột quân, các phía còn lại được xây tường bao bằng gạch trát vữa. Phần tường bao phía trước 2 gian hồi được trổ cửa sổ chữ “Thọ”. Cửa đi của 3 gian giữa theo kiểu “bức bàn” gồm bốn cánh ghép vào nhau, nền nhà lát gạch bát. Nối giữa Đại đình và Hậu cung là khoảng không gian kiến trúc mái bằng. Tường bao của Hậu cung nối liền với tường bao của Đại đình tạo thành không gian khép kín. Giữa Đại đình và Hậu cung có tường ngăn cách, hai bên trổ hai cửa nhỏ. Hậu cung gồm 2 gian, các bộ vì kết cấu theo kiểu “vì kèo”, quá giang gác thẳng lên tường bao.
Theo thần phả hiện lưu tại di tích Đình làng Thọ Ninh cho biết: Vào cuối thế kỷ XVII, tại thôn Thọ Ninh có gia đình họ Nguyễn Văn là một gia đình trí thức, lễ giáo, năm 1675 sinh hạ được Ngài Nguyễn Văn tên húy là Tuyên, tự Phúc Tâm. Từ nhỏ Ngài có khí độ hào hùng, dũng cảm lại có tinh thần yêu nước, yêu dân. Ngài có tài làm thuốc, giỏi xem địa lý, thường hay bỏ tiền của giúp đỡ người nghèo, dùng thuốc chữa bệnh cứu người. Giữa lúc triều đình nhà Lê suy yếu, quân Mãn Thanh xâm lược nước ta, đốt phá đình chùa, nhà cửa. Ngài bỏ tiền của, thóc gạo để chẩn tế cho dân, xây dựng 3 gian nhà gỗ lợp ngói để thờ thần và bỏ ra 6 mẫu 1 sào ruộng để nhân dân canh tác thu hoa lợi dùng cho việc cúng lễ. Ngài đóng góp tiền của và cùng các nhân sĩ yêu nước tham gia chống quân xâm lược. Đến năm 49 tuổi (ngày 14/5/1724), Ngài tạ thế, được hơn trăm ngày thì phát tích hiển linh. Cảm động trước tấm lòng yêu nước, thương dân của Ngài, nhân dân Thọ Ninh thờ làm Thành hoàng làng.
Hiện vật có giá trị trong đình còn lưu giữ được là 3 đạo Sắc phong có niên đại thời vua Tự Đức 2 (1849); 04 bia đá “Hậu thần bi ký” và “Hậu hiền bi ký” khắc vào các năm: 1872, 1893, 1903, 1912 và một số đồ thờ tự như ngai thờ, bát bửu, hòm sắc, giá văn, lọ hoa gỗ… niên đại thời Nguyễn (thế kỷ XIX).
Giá trị lịch sử của ngôi đình Thọ Ninh không chỉ ở hệ thống công trình tín ngưỡng, các di vật, cổ vật tiêu biểu mà còn thể hiện trong ngày hội truyền thống của địa phương diễn ra từ ngày 11-13/10 Âm lịch. Từ trong năm, dân làng cử ra 3 ông quan đám, mỗi ông được cấp 1 sào ruộng, nuôi một con lợn để sử dụng trong ngày sự lệ. Trước khi vào đám, lý trưởng triệu tập các trưởng họ để bàn việc, phân vai: Chủ tế, Đông xướng, Tây xướng, Tiến tửu, Tiến đăng, trang trí, tiếp tân. Ngày 11-10 mở cửa đình, lau chùi, dọn dẹp vệ sinh di tích, đường làng ngõ xóm; buổi chiều tiến hành tế mở cửa đình; tối biểu diễn nghệ thuật ca trù. Sáng ngày 12-10, 3 ông đám mổ lợn làm lễ dâng Thánh tại đình, tiến hành tế lễ. Sau khi tế, lễ vật sẽ được chia cho các thành viên của làng. Buổi chiều tổ chức các chương trình nghệ thuật, các trò chơi dân gian như: bịt mắt bắt dê, vật, chọi gà, bắt vịt, đập niêu, cà kheo… Buổi tối tổ chức hát tuồng, chèo. Sáng ngày 13-10 làm lễ tế đóng cửa đình. Ngoài lễ hội truyền thống, hàng năm tại đình làng còn có một số hoạt động khác như: lễ cầu mát, ngày giỗ Thành Hoàng làng, các hậu thần và ngày tuần rằm, mùng 1 hàng tháng.
Hiện nay, để duy trì hoạt động của di tích, 17 chi họ trong thôn bầu ra 5 thành viên thường trực, để chăm lo giải quyết các công việc của làng. Nhân dân cũng bầu ra 4 ông đám để trực tiếp trông nom, quét dọn hương khói tại di tích. Đến ngày sự lệ, nhân dân trong thôn cùng đóng góp sắp lễ cúng Thành Hoàng làng. Các hoạt động mới cũng được tổ chức trong ngày hội như: bóng chuyền, thể dục dưỡng sinh, hát quan họ, thơ văn.
Đình Thọ Ninh từ bao đời nay luôn là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Những ngày lễ hội của đình diễn ra hàng năm thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân, là dịp để giáo dục truyền thống cho các thế hệ biết ơn những người có công với dân với nước và gìn giữ những thuần phong mỹ tục của quê hương.
Pages: 0
Visitors: 0
Vis.Today: 0
Bình luận của bạn