Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh làm Tổ trưởng, điều hành thảo luận Tổ 13, sáng ngày 16-1
Tại Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đề xuất 8 cơ chế đặc thù về: Phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm; cơ chế điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hằng năm; ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất; cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa; cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; cơ chế ủy thác vốn cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội; cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; cơ chế giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) tham gia thảo luận tại Tổ 13, sáng ngày 16-1
Tại Tờ trình về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho EVN từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chính phủ đề xuất dự kiến phân bổ cho 5 ngành, lĩnh vực: Quốc phòng; An ninh; Quản lý nhà nước; Khoa học công nghệ; Giao thông; bố trí 50 nhiệm vụ, dự án, trong đó có 9 dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đến nay, trong tổng số 50 nhiệm vụ, dự án nêu trên có 33 nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Có 17 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, hồ sơ đề nghị phân cấp làm cơ quan chủ quản theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28-11-2023 của Quốc hội.
Tờ trình cũng nêu rõ, ngay từ đầu kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và Quốc hội đã quyết nghị bố trí vốn cho EVN để thực hiện Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án chậm do quá trình lựa chọn phương án cấp điện cần nhiều thời gian, phải đo đạc, khảo sát, tính toán lựa chọn phương án tối ưu nhất. Đến tháng 6-2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án (sau thời điểm báo cáo Quốc hội Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV), do đó toàn bộ số vốn dự kiến giao cho EVN đã chuyển về dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 theo quy định tại Nghị quyết số 93/2023/QH15.
Tại Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 16-6-2023 về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công Thương là cơ quan quyết định đầu tư dự án, EVN là chủ đầu tư. Việc đầu tư cho Dự án với mục tiêu cấp điện ổn định và an toàn cho lưới điện trên đảo, đáp ứng các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Côn Đảo, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo đảm chủ quyền biển đảo quốc gia là cần thiết. Cơ sở để lựa chọn phương án cấp điện cho Dự án đã được Bộ Công Thương, EVN và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tính toán, đề xuất 5 phương án cấp điện cho huyện Côn Đảo, đưa ra 6 tiêu chí để đánh giá từng phương án. Phương án cấp lưới điện quốc gia được lựa chọn do đáp ứng đủ 6 tiêu chí với giá thành điện năng thấp nhất.
Theo quy định của pháp luật, vốn NSTW bố trí để thực hiện Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao cho Bộ Công Thương triển khai. Bộ Công Thương giao cho đơn vị trực thuộc tổ chức đấu thầu theo quy định (với hình thức này, dự án sử dụng 100% vốn NSTW). Nếu theo phương án giao Bộ Công Thương thì số vốn còn thiếu so với tổng mức đầu tư là 2.423,996 tỷ đồng chưa có nguồn để cân đối cho Dự án. Bên cạnh đó, EVN không phải là đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương nên Bộ Công Thương không thể phân bổ, giao vốn cho EVN. Như vậy, dự án sẽ không triển khai được ngay trong giai đoạn này. Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là dự án có tính chất đặc thù, vừa sử dụng vốn NSTW, vừa sử dụng vốn tự có của EVN. Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, cần xem xét, báo cáo Quốc hội để cho cơ chế giao kế hoạch vốn NSTW của Dự án cho EVN. Bộ Công Thương là cơ quan quản lý ngành, có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, giám sát, thanh tra bảo đảm không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí. Việc bàn giao tài sản sau khi dự án hoàn thành được thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý tài sản công và các quy định pháp luật có liên quan.
Sau khi nghe các Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ, thảo luận ở hội trường về các nội dung trên. Các ý kiến cơ bản thống nhất với những nội dung chính của chính sách Chính phủ trình, tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn. Các đại biểu góp nhiều ý kiến để hoàn thiện các nội dung quy định của dự thảo; đề nghị cần tiếp tục làm rõ việc thực hiện các kiến nghị của kiểm toán Nhà nước và theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cần tuân thủ nguyên tắc: đảm bảo tính đặc thù, không tạo ra các rào cản mới.
Pages: 0
Visitors: 0
Vis.Today: 0
Bình luận của bạn